Trong thời đại công nghệ số, việc quản lý và vận hành hiệu quả các tòa nhà đòi hỏi sự hỗ trợ của những công nghệ tiên tiến nhất. Một trong số những công nghệ đó chính là Building Management System – Hệ thống Quản lý Tòa nhà BMS. Vậy các doanh nghiệp đã hiểu rõ về hệ thống BMS là gì, tầm quan trọng của hệ thống này trong việc quản lý của tòa nhà như thế nào hay chưa?
Trong bài viết này, Đại Thắng Holdings sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu chi tiết về khái niệm hệ thống BMS tòa nhà là gì cũng như lợi ích, chức năng của nó. Hãy theo dõi để có được cái nhìn tổng quát hơn nhé.
Hệ thống BMS là gì?
Rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp còn khá mơ hồ về khái niệm hệ thống quản lý tòa nhà BMS là gì? BMS là viết tắt của cụm từ “Building Management System”, được dịch nghĩa là “Hệ thống quản lý tòa nhà”. Và iBMS được hiểu là hệ thống quản lý tòa nhà thông minh. BMS chính là hệ thống đồng bộ cho phép điều khiển và quản lý mọi hệ thống kỹ thuật bên trong tòa nhà như: hệ thống nước, hệ thống điện, điều hòa thông gió, an ninh, báo cháy – chữa cháy, cảnh báo môi trường…
Hệ thống BMS được sử dụng với mục đích bảo đảm cho việc vận hành các thiết bị có bên trong tòa nhà được kịp thời, chính xác, hiệu quả, tiết kiệm chi phí vận hành và tiết kiệm năng lượng. BMS là hệ thống đồng bộ theo thời gian thực, trực tuyến, nhiều người dùng; hệ thống xử lý bao gồm các thiết bị ra và vào, các bộ vi xử lý trung tâm với tất cả phần cứng và phần mềm máy tính, các bộ vi xử lý khu vực, các bộ cảm biến và được điều khiển thông qua ma trận điểm.
Một số ứng dụng của hệ thống BMS là gì?
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, các tòa nhà xuất hiện ngày càng nhiều, nhất là ở những khu đô thị lớn. Nhưng việc quản lý vận hành các tòa nhà này chưa bao giờ đơn giản. Hệ thống quản lý tòa nhà BMS ra đời sẽ giúp bạn thực hiện quá trình này hiệu quả, dễ dàng, nhanh chóng hơn. Hệ thống BMS có thể ứng dụng như sau:
Quản lý năng lượng: BMS cho phép quản lý mức độ tiêu thụ năng lượng của tòa nhà. Hệ thống có thể điều chỉnh tự động nhiệt độ, chiếu sáng, hệ thống HVAC theo thời gian biểu được thiết lập sẵn để tiết kiệm năng lượng tối đa.
Giám sát, bảo mật: BMS điều khiển, giám sát hệ thống báo cháy, an ninh và kiểm soát việc ra vào trong tòa nhà.
Quản lý chiếu sáng: Hệ thống BMS có khả năng kiểm soát và tự động hóa việc chiếu sáng toàn bộ tòa nhà. BMS hỗ trợ việc bật/ tắt tự động hệ thống đèn chiếu sáng theo lịch đã cài đặt sẵn thông qua màn hình giám sát mà không cần đến tận nơi.
Quản lý HVAC: BMS là công cụ hữu ích trong việc kiểm soát và vận hành hệ thống HVAC.
Quản lý nguồn nước: Hệ thống BMS được dùng trong việc giám sát và điều khiển về mức tiêu thụ nước. Hệ thống đảm nhận việc điều khiển, giám sát lượng nước trong bể, hệ thống máy bơm, van khóa nước một cách chặt chẽ. Dựa trên nhu cầu sử dụng nước, quản trị viên có thể thiết lập thời khóa biểu cho việc bật/ tắt hệ thống máy bơm.
Quản lý dữ liệu: Hệ thống thu thập và lưu trữ dữ liệu từ các thiết bị trong tòa nhà. Sau đó cung cấp báo cáo và phân tích dữ liệu để người quản lý hiểu rõ hơn về hiệu suất và tiêu thụ của tòa nhà. Thông qua báo cáo này, người quản lý có thể đưa ra biện pháp cải tiến hiệu quả.
Hệ thống điều hòa: BMS giám sát chế độ hoạt động của điều hòa, điều chỉnh tăng/ giảm xuống nhiệt độ dựa trên nhu cầu của người dùng.
Hệ thống báo cháy: BMS quản lý hệ thống chuông, còi báo cháy và cung cấp thông tin về sự cố cháy nổ một cách kịp thời cho quản trị viên để triển khai công tác cứu hỏa nhanh chóng.
Cấu trúc chính của hệ thống BMS là gì?
Cấu trúc của hệ thống BMS quản lý tòa nhà bao gồm 4 phần chính. Cụ thể là:
Cấp chấp hành
Cấp chấp hành có sự tham gia của các yếu tố như:
Thiết bị thu thập dữ liệu (đầu vào): camera, hệ thống cảm biến, đầu thẻ…
Thiết bị vận hành (đầu ra): Gồm điều hòa, quạt, đèn, còi, loa, chuông, máy bơm, van, động cơ…
Thông thường, hệ thống sẽ tiếp nhận dữ liệu từ thiết bị đầu vào, sau đó thông tin được xử lý ở các cấp cao hơn, chuyển đổi dữ liệu thành lệnh và thay đổi trạng thái hoạt động của những thiết bị đầu ra tương ứng.
Nhưng hiện nay, nhiều thiết bị đầu ra được thiết kế thông minh với bộ vi xử lý riêng, có thể tự điều chỉnh để phù hợp với điều khiển thực tế mà không cần chờ lệnh của các cấp cao hơn trong BMS.
Phân cấp điều khiển
Cấp điều khiển là các bộ phận điều khiển như: bộ điều khiển lập trình PLC, bộ điều khiển kỹ thuật số trực tiếp DDC, bộ điều khiển tự động hóa khả trình PAC…
Trong hệ thống BMS quản lý tòa nhà, cấp điều khiển có nhiệm vụ tiếp nhận dữ liệu từ các thiết bị cảm ứng đầu vào. Sau đó xử lý dữ liệu bằng thuật toán, chuyển đổi chúng thành lệnh và truyền đạt lại các thiết bị thuộc phân cấp chấp hành.
Đặc tính ưu việt của cấp điều khiển đó là khả năng thay thế con người xử lý thông tin một cách chính xác và nhanh chóng nhất, điều chỉnh hoạt động của các thiết bị thuộc cấp chấp hành phù hợp với điều kiện thực tế mà không cần đến nhân viên kỹ thuật can thiệp.
Phân cấp điều khiển giám sát
Phân cấp này chủ yếu là những máy tính PC có màn hình hiển thị màu với nhiệm vụ là phương thức giao tiếp giữa nhân viên vận hành và hệ thống.
Vai trò của cấp này là hỗ trợ con người trong việc cài đặt ứng dụng, giám sát, theo dõi và cảnh báo về những tình huống bất thường thông qua các giao thức như bảng biểu, đồ thị dữ liệu, báo cáo tự động định kỳ…
Cấp quản lý
Đây là phân cấp cao nhất trong cấu trúc của hệ thống quản lý tòa nhà. Cấp này có thể giám sát, theo dõi, điều hành và ra lệnh cho các điểm trong toàn bộ hệ thống.
Chức năng chính của cấp này là thu thập, lưu trữ và xử lý các dữ liệu như: chi phí vận hành, lịch sử dụng năng lượng, lịch sử cảnh bảo và sự cố phát sinh… Sau đó, BMS tạo ra những báo cáo phục vụ cho quá trình quản lý, khai thác hệ thống một cách hiệu quả.
Điểm ưu việt của hệ thống quản lý tòa nhà BMS là gì?
Hệ thống BMS sở hữu nhiều ưu điểm mà rất ít hệ thống quản lý tòa nhà thông thường có thể làm được như:
– Đơn giản hóa việc vận hành: BMS hỗ trợ chương trình hóa các chức năng, các thủ tục mang tính lặp đi lặp lại để vận hành tự động, giúp giảm thiểu công việc cho con người.
– Giảm thời gian training cho nhân viên vận hành: Hệ thống BMS hiển thị những chỉ dẫn trực tiếp trên màn hình, giúp con người sử dụng dễ dàng.
– Phản ứng nhanh với những yêu cầu của khách hàng và các sự cố phát sinh: Căn cứ vào dữ liệu thu thập được trong quá trình vận hành, BMS có thể tự động điều chỉnh hệ thống kỹ thuật, nhanh chóng phát hiện ra những sự cố, sai số. Từ đó tạo ra môi trường lý tưởng cho con người sinh sống, làm việc trong tòa nhà.
– Tối ưu chi phí năng lượng: Nhờ tập trung vào việc quản lý và điều khiển tự động, hệ thống BMS hỗ trợ hiệu quả trong việc tiết kiệm năng lượng, nhờ đó giảm chi phí năng lượng tòa nhà.
– Quản lý các thiết bị có bên trong tòa nhà nhờ hệ thống dữ liệu lưu trữ, chương trình bảo dưỡng và hệ thống báo cáo các cảnh báo tự động.
– Tích hợp với hệ thống phần cứng và phần mềm của nhiều hệ thống con như: an toàn, báo cháy, điều khiển chiếu sáng hay điều khiển truy nhập. Từ đó cải tiến hệ thống vận hành, giúp hoạt động quản lý tòa nhà được nâng cao hơn.
Nhờ những ưu điểm đặc biệt này, hệ thống BMS được đánh giá là một trong các hệ thống quản lý tòa nhà hiệu quả, toàn diện nhất, được các chủ đầu tư sử dụng rộng rãi nhất. Với những thông tin được nhắc đến, bạn đọc đã hiểu rõ về hệ thống BMS là gì, các phân cấp và lợi ích mà hệ thống này mang đến. Nếu bạn cần được tư vấn thêm về các thông tin liên quan đến quản lý tòa nhà, hãy đón đọc những bài viết tiếp theo của Đại Thắng Holdings nhé.
ĐỪNG BỎ LỠ CƠ HỘI NHẬN THÔNG TIN SỚM NHẤT
Đừng bỏ lỡ cơ hội nhận thông tin sớm nhất về các bất động sản cho thuê tại Đà Nẵng. Đăng ký ngay để cập nhật tin tức mới nhất và những ưu đãi hấp dẫn từ Đại Thắng Holdings!
.